Tìm việc làm VNWork

Tìm việc làm VNWork
Tìm việc làm VNWork

Ứng viên tìm việc làm cần làm gì để luôn tràn đây năng lượng với những buổi phỏng vấn dài hơi từ nhà tuyển dụng

Một buổi phỏng vấn kéo dài cả ngày thường khiến nhiều ứng viên tìm việc làm ngán ngẩm và thậm chí bỏ cuộc giữa chừng. Vậy bạn cần làm gì để khiến mình trở thành một trong những ứng viên vẫn còn “tràn trề năng lượng” sau một khoảng thời gian phỏng vấn dài như thế?

> Làm gì để có được công việc ưng ý ngành nhà hàng - khách sạn
> Các công việc của kiểm toán bạn cần biết
> Lương thưởng & phúc lợi- chìa khóa thu phục nhân tài cho doanh nghiệp



Tôi luôn tự nhận thấy mình là một nhà tuyển dụng khá mạnh mẽ, nhưng tôi phải thừa nhận rằng vào buổi phỏng vấn kéo dài cả ngày đầu tiên của mình, tôi đã bị choáng váng. Liệu cứ nhắc đi nhắc lại câu trả lời với từng người có khiến tôi trông có vẻ không thành thật không? Liệu tôi có thể hỏi làm thế nào mà 2 nhân viên của một phòng ban này làm việc được với 3 người của phòng ban khác mà tôi vừa phỏng vấn với họ? Hay thực sự là ứng viên không được mời uống một ngụm cà phê nào trong cả ngày dài phỏng vấn?

Hôm đó thực sự là một ngày giúp tôi học hỏi được nhiều điều. Hãy rút kinh nghiệm từ câu chuyện của tôi và áp dụng một số bí kíp sau đây để chinh phục thành công buổi phỏng vấn của bạn.

1. Yêu cầu danh sách những người sẽ phỏng vấn bạn (tốt hơn là kế hoạch phỏng vấn)

Khi bạn có lịch hẹn phỏng vấn kéo dài hàng giờ thì việc bạn biết trước người sẽ phỏng vấn mình, giám đốc nhân sự hay phó chủ tịch bộ phận, là việc rất bình thường. Tuy nhiên với những cuộc phỏng vấn mà bạn phải trải qua nhiều bước, thì bên tuyển dụng chỉ cung cấp cho bạn một số thông tin sơ lược như “Chúng tôi rất mong muốn mời bạn đến gặp gỡ đội ngũ tuyển dụng, trò chuyện trao đổi với một số phòng ban, và có một chuyến tham quan công ty vào buổi chiều.”

Tuy nhiên bạn hãy cứ tiếp tục theo dõi và cố gắng tìm hiểu thông tin chi tiết về người sẽ phỏng vấn bạn trước khi buổi hẹn diễn ra. Rõ ràng biết được những cái tên bạn sẽ “chạm trán” thì vô cùng có ích, nhưng thậm chí còn tốt hơn khi bạn nắm được kế hoạch phỏng vấn, khi đó bạn có thể hình dung ra ngày phỏng vấn sẽ diễn ra thế nào và biết cách điều chỉnh nhịp độ của bản thân.

Hãy thử nói “Tôi thực sự rất trông đợi cuộc hẹn với quý công ty vào thứ 5 tới. Liệu tôi có thể được biết trước về kế hoạch trong ngày phỏng vấn cũng như danh sách những người tôi sẽ gặp không?” Sau đó, hãy xem xét lại thông tin bạn nhận được – thậm chí nếu bạn không được tiết lộ một cái tên nào, thì hãy chú ý rằng “Phòng PR” là một chứ không phải bảy người, hoặc nếu bạn biết được thời lượng của buổi phỏng vấn với team Marketing dài gấp đôi so với buổi gặp chuyên viên thiết kế thì bạn có thể rút ngắn quá trình chuẩn bị.

Lưu ý: Tốt hơn hết là bạn nên chờ cho đến một vài ngày trước buổi phỏng vấn chính thức hãy hỏi về thông tin chi tiết, bởi vì công ty sẽ phải mất một khoảng thời gian để giải thích kế hoạch phỏng vấn của từng ứng viên.

2. Chú ý đến thời điểm bắt đầu và kết thúc của từng buổi phỏng vấn nhỏ

Ngày phỏng vấn có lẽ là một ngày dài với bạn khi phải trải qua một chuỗi các buổi phỏng vấn nhỏ, nhưng hãy nhớ rằng từng buổi phỏng vấn kéo dài từ nửa tiếng đến 1 tiếng sẽ là từng buổi độc lập đối với người phỏng vấn bạn. Điều đó có nghĩa là bạn cần phải đảm bảo rằng mỗi cuộc phỏng vấn đều có một khởi đầu và kết thúc để lại ấn tượng mạnh mẽ.

Ví dụ, bạn không thể ngay lập tức bước vào một cuộc phỏng vấn mới khi bạn vừa mới bước ra từ cuộc phỏng vấn trước – bạn sẽ cần một vài phút để “làm nóng”, nạp lại tinh thần trước khi “xung trận”. Đừng quên bắt tay, chào hỏi người phỏng vấn và đưa họ xem bản CV của bạn.

Tương tự thế, bạn cũng không nên kết thúc buổi phỏng vấn chỉ với vỏn vẹn một câu nói “Cám ơn ông/bà”, sau đó lướt qua bản kế hoạch phỏng vấn của mình và lại bắt đầu suy nghĩ về buổi phỏng vấn kế tiếp. Bạn hãy nhớ khi kết thúc mỗi buổi phỏng vấn, hãy lặp lại sự hứng thú của bạn đối với vị trí tuyển dụng, và có thể “hạ màn” bằng các câu nói sao cho phù hợp với hoàn cảnh như “Tôi rất trông đợi phản hồi từ quý công ty.” hoặc “Chúc cho sự kiện của quý công ty vào cuối tuần tới diễn ra thành công tốt đẹp.” Bạn sẽ muốn đem lại cho từng người phỏng vấn cảm giác rằng họ đã nhìn thấy được hết sự nổi bật của bạn, từ lúc bạn mở cánh cửa bước vào cho đến khi cánh cửa ấy khép lại.



3. Đưa ra những câu trả lời nhất quán (có thể nhấn mạnh những phần khác nhau)

Những người phỏng vấn sẽ ngồi lại đối chiếu các bản ghi chép, điều đó có thể làm cho bạn cảm thấy mình rơi vào bẫy khi phải trải qua ngày phỏng vấn dài đằng đẵng: Nếu cả 10 cuộc phỏng vấn bạn đều kể cùng một câu chuyện theo cùng một cách thì có thể sẽ khiến những người tuyển dụng phải đặt dấu chấm hỏi về bề rộng lẫn bề sâu kinh nghiệm của bạn (“Cô ấy kể cho tất cả chúng tôi nghe cùng một câu chuyện về nơi làm việc đầu tiên – chả lẽ cô ấy không học hỏi được gì ở nơi làm việc kế tiếp hay sao?!”) Nhưng nếu bạn cố gắng sửa chữa sai lầm và đưa ra những câu trả lời hoàn toàn khác biệt đối với từng người phỏng vấn thì họ sẽ cảm thấy nghi ngờ liệu đâu mới là “con người thật” của bạn.

Vậy thì bạn nên làm gì? Chiến thuật ở đây là bạn nên đưa ra những câu trả lời “trước sau như một” để nhà tuyển dụng không cần phải hỏi lại bạn là ai và bạn có thể cống hiến gì cho công ty nữa, bạn cũng có cơ hội thêm các chi tiết khác nhau vào câu chuyện của mình để chứng minh bản thân nhiều hơn thay vì chỉ lặp lại 5 câu trả lời tương tự đã được chuẩn bị sẵn.

Ví dụ, cùng một câu chuyện về cách bạn xử lý tình huống khi một nhóm không hòa thuận với nhau, bạn có thể kể đến 2 lần cho 2 người phỏng vấn khác nhau. Lần đầu tiên hãy tập trung vào phong cách quản lý, và với lần thứ 2 thì hãy mô tả kĩ năng giải quyết vấn đề của bạn. Hoặc bạn có thể tận dụng câu chuyện về kinh nghiệm nói chuyện trước đám đông của mình để “xào nấu” lại, một phiên bản là ví dụ về cách bạn đã vượt qua sự nhút nhát của bản thân và một phiên bản khác nói về cách bạn kết nối với một căn phòng đầy ắp người. Bạn sẽ truyền tải được mọi thứ rõ ràng đồng thời cũng phô diễn được nhiều khía cạnh trong kinh nghiệm của bạn với phương pháp này.

4. Tận dụng tối đa “vũ khí” hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp

Yếu điểm lớn nhất của tôi là caffeine, thường thì mỗi ngày tôi sẽ phải uống ít nhất 2 tách cà phê trong khi làm việc.Vào hôm phỏng vấn, tôi đã được mời một bữa trưa với một phần salad hấp dẫn cùng một chai nước trong phòng phỏng vấn yên tĩnh, nhưng vấn đề ở đây là, không có caffeine. Buổi phỏng vấn cuối cùng của tôi trong ngày hôm đó là với người giữ vị trí cao nhất, người có quyền hành lớn nhất, có thể tác động đến quyết định xem tôi có vé vào công ty hay không. Điều sống động nhất mà tôi còn nhớ bây giờ là lúc đó đầu tôi đã đau như búa bổ và khiến tôi mất tập trung chỉ vì thiếu caffeine.

Một ngày phỏng vấn dài sẽ đánh giá được khả năng chịu đựng của bạn, vì thế đừng quên chuẩn bị “vũ khí” bí mật để phòng hờ cho trường hợp khẩn cấp. Hãy nhớ lại xem: Chỉ số đường huyết của bạn có bị giảm sút sau bữa trưa hay không? Nếu có thì hãy mang theo một gói kẹo cỡ nhỏ hoặc một thanh năng lượng để tranh thủ ăn giữa giờ. Bạn có nghiện caffeine giống tôi không? Nếu có thì hãy mang theo một gói cà phê hòa tan VIA của Starbucks, bởi vì nếu thậm chí không có máy pha cà phê, thì bạn vẫn có thể sử dụng máy làm lạnh có đầu nước nóng để có một tách cà phê nhâm nhi trong bữa trưa. Bất cứ thứ gì mà mỗi ngày bạn không thể thiếu được thì đều phát huy vai trò quan trọng của chúng trong một ngày phỏng vấn dài hơi như thế này, vì vậy đừng quên mang chúng theo để sử dụng khi cần.

Buổi phỏng vấn kéo dài cả ngày là một cơ hội tuyệt vời không chỉ cho nhà tuyển dụng hiểu rõ về con người bạn, mà còn giúp bạn quan sát được cơ chế hoạt động của các bộ phận trong công ty. Vì thế mặc dù những ngày như thế này có thể “hành xác” bạn thì cũng hãy cố gắng nhìn vấn đề theo hướng tích cực. Chỉ cần có sự chuẩn bị thì chắc chắn không có buổi phỏng vấn nào có thể “hạ gục” bạn!

Không có nhận xét nào