Tìm việc làm VNWork

Tìm việc làm VNWork
Tìm việc làm VNWork

Du lịch tại chỗ qua con mắt của người ngoài cuộc

Không như với những cuốn du ký viết về “những chuyến viễn du và những nhà thám hiểm”, Xứ sở những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa không nói về những cảnh đẹp hùng vĩ, những con người thú vị, những trải nghiệm tuyệt vời. Vâng, thật ra không có một chuyến du lịch tuyệt vời đến một xứ sở thần tiên nào ở đây cả. Phần lớn dung lượng cuốn sách dùng để giải bày cảm giác và suy nghĩ mang tính phản tư của tác giả với những điều mắt thấy tai nghe khi những ấn tượng đó vẫn còn tươi mới, không hề trau chuốt. Bởi vì cuốn sách hoàn thành ngay khi tác giả kết thúc chuyến đi.



Hãy tưởng tượng, bạn là một người từ một nền văn hóa khác lần đầu đặt chân đến Việt Nam, bạn sẽ thấy gì và nghĩ gì?

Với Juli Zeh, đó là sốc, sốc và sốc.

Vừa đặt chân xuống sân bay: sốc nhiệt.

Bước ra đường: sốc giao thông. “Đây không phải là giao thông nữa, mà là một màn xiếc tập thể. Tôi không hề biết rằng có thể xếp lọt nhiều xe máy đến thế trên đường, giống như nước chảy trên sông vậy. Tôi không hề biết rằng cả một gia đình gồm vợ, chồng với hai đứa con có thể thoải mái ngồi lọt trên một chiếc Vespa. Tôi không biết rằng người ta có thể chở cả một cái tủ đá bằng xe máy. Tôi không hề biết rằng người ta vừa có thể hút thuốc, vừa gọi điện thoại, vừa giữ một đứa bé trong lòng, trong khi vẫn đang lái xe máy…”. Mỗi dấu chấm như nhấn mạnh thêm sự thảng thốt của tác giả.

Hạ tầng: những chùm dây điện kỳ lạ bò khắp thành phố như con rắn khổng lồ.

Trang phục: những cô gái đi xe máy mặc áo khoác hoa trùm kín người như một đội quân cướp nhà băng.

Ngoại ngữ: tiếng Anh kiểu Vietlish. “Foul aim, sir”, “Sour fist”, bạn thử đoán xem hai câu đó nghĩa là gì.

Ẩm thực: một trận rối loạn tiêu hóa nhớ đời và nỗi kinh hoàng chưa nguôi khi chứng kiến cảnh mua bán và giết chó.

Và kết luận: đây đúng là “đất nước của sự hòa tan những mâu thuẫn khó hiểu”.

Nhưng lẽ nào văn hóa Việt Nam chỉ toàn gây ra những cú sốc và ấn tượng buồn cười, nghèo nàn như vậy sao? Không đâu. “Ở nước ngoài khác với ở nhà. Cảm giác khác, mùi vị khác, luật lệ khác. Tất cả đều khác. Thoạt tiên điều đó rất lạ”. Hai đất nước mà tưởng chừng như hai thế giới. Nhưng rồi, cùng với hành trình từ Bắc vào Nam, hình ảnh Việt Nam cũng dần quen thuộc, dễ chịu hơn trong mắt tác giả. Những cảnh sắc tươi đẹp, kỳ vĩ, những con người hiền hòa. Những “sự cố” của một người khách du lịch chưa am tường văn hóa cũng dần giảm đi. Và đó cũng là lúc cô quyết định kết thúc hành trình. Bởi vì “tôi bắt đầu cảm thấy ở đây quen thuộc như ở nhà mất rồi”.

Khởi đầu với con mắt xa lạ, hoài nghi, xen lẫn chút hài hước, tiến tới dần tiếp nhận và cuối cùng, nhìn nhận lại những điều quen thuộc “ở nhà” bằng một con mắt khác – nước Đức của cô ngày về chắc chắn sẽ mang một dáng vẻ hoàn toàn tươi mới so với lúc ra đi. Và chắc chắn đó là hành trình mà bất kỳ ai tìm hiểu một nền văn hóa khác cũng trải qua. Với chúng ta, đây là một cơ hội để đi du lịch tại chỗ qua con mắt của “người ngoài cuộc”, để nhìn thấy cái lạ trong những gì vốn đã rất bình thường và quen thuộc. Mời bạn lật sách ra và cùng chu du nhé.

Không có nhận xét nào