Tìm việc làm VNWork

Tìm việc làm VNWork
Tìm việc làm VNWork

Thi tuyển Management Trainee – Nên chuẩn bị những gì?

Bài viết bên dưới được chia sẻ bởi bạn Nguyễn Thị Bảo Minh, về những chuẩn bị của bản thân và kinh nghiệm trong từng vòng thi tuyển Management Trainee. Bạn Bảo Minh đã trúng tuyển vào chương trình Quản trị viên tập sự ở 3 công ty: Prudential, Masan Consumer và Nestle. (Ở Prudential, Minh nộp đơn vào mảng Corporate Affairs. Ở Masan và Nestle, Minh nộp vào mảng Marketing.)

> Câu hỏi phỏng vấn: "Bạn có thể bắt đầu công việc khi nào ?"
> Tháng 12 – “Thời điểm vàng” để tuyển dụng
> Cách cải thiện kỹ năng phỏng vấn ứng viên cho nhà tuyển dụng



Bảo Minh là cựu sinh viên ĐH Ngoại Thương. Bạn từng tham gia nhóm sinh viên nghiên cứu marketing Margroup, và giữ vị trí Vice Head of Communication. Với tinh thần “Pay it forward”, Bảo Minh hi vọng bài viết này sẽ hỗ trợ những bạn đang muốn chinh phục chặng đường Management Trainee, giống như việc bạn đã từng tham dự event và được nghe các anh chị chia sẻ kinh nghiệm trước đây.

1. Application form

Application form, cánh cửa đầu tiên cần bước qua, hay còn gọi vui là “vòng gửi xe.” Đa phần đơn tuyển sẽ được bung ra khoảng từ tháng 1 đến tháng 3, cá biệt có một vài công ty đợi đến tầm tháng 6,7 mới chính thức mở đơn. Mốc thời gian này thường cố định qua các năm, nên khi đã biết trước, bạn hãy sắp xếp công việc hợp lí nhất cho giai đoạn này. Tránh tình trạng sau này tiếc nuối: “Chết rồi, hồi đó bận quá, không kịp nộp đơn.”

Chuẩn bị thế nào?

- Cập nhật lại CV sao cho đẹp hơn, thông tin chắt lọc, giá trị hơn.

- File scan pdf bảng điểm chính thức từ trường Đại học

- Bạn dự kiến sẽ nộp bao nhiêu chương trình MT? Nộp đại trà hay chỉ chọn lọc? Lựa chọn là do bạn, nhưng ngay từ đầu, hãy tìm động lực cho bản thân thật rõ ràng. Vì sao bạn muốn vào công ty đó? Bạn đánh giá cao điểm nào của công ty kia?

- Tự viết ra 1 file word, tạm đặt tên là “Reflection”. Trong 4 năm qua, bạn đã làm những gì, ở đâu, với ai, tham gia cái gì, tổ chức nào… Có những chuyện vui buồn gì đã xảy ra, bạn đã hành động ra sao, mọi người suy nghĩ hoặc nhận xét gì về những điều đó. Để hoàn thành file này, chắc cũng tốn kha khá thời gian để nhớ lại và viết xuống hết.

Trong file mình đã thực hiện, mình tạm chia làm 5 mục:

1. Về bản thân

Bạn thích gì? Ghét gì? Bạn có những nguyên tắc nào trong cuộc sống? Bạn mong muốn trở thành người thế nào? 5 năm nữa, bạn muốn mình đang ở vị trí nào, làm được gì rồi, theo đuổi ngành nghề nào, tại sao?

2. Quá trình học tập

Bạn có đạt được thành tích gì nổi trội? Có tham gia nghiên cứu khoa học? Hay có thích đặc biệt môn nào đó trong trường? Có bài thuyết trình nào được thầy cô khen tấm tắc? …

3. Hoạt động ngoại khóa

Bạn có tham gia CLB – Đội – Nhóm nào? Vai trò và đóng góp của bạn? Những điều bạn học được từ nơi đó? Có tình huống làm việc nhóm nào khiến bạn nhớ mãi? Có lần nào bạn được dẫn dắt một nhóm người?… Trong tiêu chí tuyển chọn của MT, luôn có phần đánh giá kĩ năng làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo của thí sinh. Do đó, chuẩn bị mục số 3 này càng kĩ, bạn càng dễ tỏa sáng hơn trong các vòng loại.

4. Công việc làm thêm bán thời gian

Bạn có từng làm phục vụ bàn, nhân viên bán vé xem phim hay trợ giảng tiếng Anh? Bạn học được gì từ công việc đó, và những người xung quanh? Công việc đó giúp bạn rèn luyện thêm về kĩ năng nào? …

5. Các kì thực tập

Kì thực tập đó giúp bạn nhận ra những điều khác biệt nào giữa thực tế và sách vở? Kì thực tập cho bạn kĩ năng hay kiến thức gì? Và nó có cho bạn thêm lợi thế gì khi tham gia thi tuyển MT? Phần này cũng quan trọng không kém. Những kì thực tập giúp bạn có tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn, cập nhật được tình hình chung của thị trường, và định hướng bản thân rõ hơn, trong việc bạn thích hay không thích công việc nào.

THỰC TẾ THÌ …: Ở vòng application form này, nhà tuyển dụng thường kiểm tra xem bạn có đạt được những yêu cầu cơ bản họ đã truyền thông ra bên ngoài hay chưa. Về điểm số? Về quãng thời gian sinh viên của bạn, bạn có từng tham gia hoạt động nào không, hay chỉ đi học suốt ngày? Bạn có khả năng trình bày và diễn đạt ý đủ tốt không? Bạn có đủ cạnh tranh so với mặt bằng chung các thí sinh nộp đơn vào không?

Cách mình xử lý vòng application form như sau:

- Đọc đề bài, phân tích xem câu hỏi rơi vào nhóm nào, trong 5 mục đã chuẩn bị trong file ở trên. Thử suy nghĩ xem nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn đang muốn nhìn thấy điều gì của ứng viên ở câu trả lời? Câu hỏi này muốn làm bật lên về kĩ năng giải quyết tình huống, hay muốn bạn thể hiện kĩ năng lãnh đạo?

- Viết câu trả lời theo cấu trúc CAR (Context – Actions – Results).

- Cho dù đó là form cần send qua mail, hay ghi câu trả lời vào trang web online của các công ty, việc copy lại nội dung đã trả lời, lưu trữ vào word là vô cùng thiết yếu.

UNILEVER: Chương trình MT của Unilever được gọi là UFLP. Lúc mình thi, form của Unilever chỉ hỏi 2 câu thôi, “Describe a time when you came up with an idea that required you to get the support of others” và “Describe a time when you spotted an opportunity and made it happen.” Nếu copy câu đề bài này vào Google, bạn sẽ thấy ngay Unilever ở nhiều nước khác cũng hỏi y hệt. Suy ra, nếu bạn có ý định copy câu trả lời được gợi ý trên mạng, người khác cũng sẽ copy được. Phân tích đề, mình nghĩ rằng, Unilever đang muốn nhìn rõ hơn về 2 điều: kĩ năng làm việc nhóm, sự tương tác với mọi người, và sự nhanh nhạy trong công việc, tinh thần dám nghĩ dám làm. Như vậy, câu trả lời mình cần đưa ra, tương ứng sẽ thuộc về nhóm 3 và nhóm 5. Sau đó, mình mở lại file word Reflection, đọc lại lần nữa xem, trong các tình huống đã gặp ở quá khứ, ví dụ nào mình có thể đưa vào bài. Hoàn thành xong xuôi form này, hệ thống của Unilever sẽ lập tức gửi vào email bạn, link mời tham gia bài test.

PRUDENTIAL: Chương trình MT của Prudential được gọi là LEAP. Đây là chương trình có việc luân chuyển qua nhiều phòng ban, và kéo dài nhất. Mỗi bạn MT sẽ đi qua 4 phòng ban, dừng chân mỗi nơi 3 tháng, trước khi về lại home function của mình. Ban đầu, mình cứ nghĩ mình cũng sẽ ứng tuyển vào mảng Marketing ở nơi đây. Nhưng nhờ việc tham gia ngày giới thiệu Info Day, có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu thêm về công ty, về các phòng ban, mình mới chợt thấy mảng Corporate Affairs ở Prudential hay quá. Thời điểm đó, mình đang đi thực tập tại 1 công ty khác, về mảng Corporate Communications, nên cảm thấy những gì được nghe về Corporate Affairs ở Prudential sao thân thương quá. (Corporate Affairs hay Corporate Communications, chỉ khác nhau về tên gọi do 2 tổ chức tự đặt thôi. Công việc gần như giống nhau 90%) Và trên hết, mình tự tin rằng, nếu nộp đơn vào Corporate Affairs, mình sẽ có nhiều lợi thế hơn các bạn khác, vì từng được làm những điều tương tự rồi. Vậy nên hãy tích cực tham gia Info Day của các công ty. Đây là cơ hội để bạn khám phá thêm những điều không thể tìm thấy trên Internet.

Về nhà, giữa lúc đang hừng hực khí thế, mở application form lên, mình tá hỏa vì bộ phận Corporate Affairs không nằm trong danh sách các bộ phận để ứng tuyển vào. Nhưng mình lỡ thích phòng ban này rồi, biết làm sao giờ? Vậy là mình tìm cách tự vẽ thêm 1 ô nguyện vọng vào đơn nữa, chỉ vì mình muốn HR hiểu rằng mình có sự quan tâm đặc biệt đến Corporate Affairs thôi. Còn nếu vì lí do gì đó, phòng ban này không muốn nhận thêm người, thì bộ phận Marketing vẫn là nơi yêu thích của mình.

Câu hỏi trong application form của Prudential khá đơn giản, chỉ gồm 3 câu thôi: kể về kinh nghiệm làm việc, kể về việc tham gia hoạt động ngoại khóa, và cuối cùng là “What is your long term career objective? Why becoming a MT at Prudential would help you to achieve that?” Tương tự như trên mình đã viết, 3 câu hỏi này, lần lượt có thể tìm thấy đáp án trong file Reflection, lần lượt trong mục 4-5, mục 3 và mục 1.

MASAN: Chương trình MT ở Masan được gọi là MYE – Masan Young Entrepreneurs – Doanh nhân trẻ Masan. Form của Masan gồm 4 câu hỏi chính: Bạn muốn ứng tuyển vào bộ phận nào, tại sao? 5 năm nữa bạn đang ở đâu trong chặng đường sự nghiệp của mình? Động lực nào khiến bạn tham gia thi tuyển MYE? Và kể về một thành tích lớn nhất bạn từng đạt được. 3 câu đầu tiên, chủ yếu xoay quanh bản thân bạn. Câu cuối cùng, tùy cách bạn định nghĩa về “thành tích”, mà lựa chọn câu chuyện phù hợp để kể. Dù là thành tích trong học tập, công việc, hay cuộc sống cá nhân đều được cả. Quan trọng là lí do vì sao bạn thấy tự hào với điều đó? Bạn học điều gì từ đó, hoặc bạn đã vượt qua những gì để đạt được thành tích kia.

COCA-COLA: Chương trình MT ở Cocacola mang tên Next Generation Leaders. Năm 2016, Coca Cola chỉ tuyển MT cho 2 bộ phận: Sales và Supply Chain. Mình thích Marketing, nhưng năm nay họ lại không tuyển. Vậy phải làm sao? Mình nghĩ rằng nếu 1 marketer có xuất phát điểm từ sales, có tư duy luôn nhạy bén với thị trường, đặt khách hàng làm trọng, người marketer đó sẽ làm việc hiệu quả hơn. Do đó, mình quyết định nộp vào Sales, và muốn lấy Sales làm nền tảng, sau này khi nào có cơ hội thì về với Marketing. Form của Coca chỉ có 4 câu hỏi thôi, nhưng lại là form “hại não” nhất.

- What will you miss in your current work or other potential opportunities if you are selected for the Next Generation Leader Program of Coca-Cola Vietnam?

- If you were appointed as the director of Coca-Cola Beverages Vietnam Limited, what would you do in your first 90 days?

- What was the biggest decision that you have made in the last 2 years and could you please share with us the rationale of your decision?

- Imagine a journalist interviews you in 2020, what would you want to share about your life and career story? Please share in 1-3 PowerPoint Slides in the most creative way as possible.

Câu 1 và 2 có vẻ cần “động não” hơi nhiều. Còn câu số 3 và câu số 4, mình cảm thấy rất quen thuộc, vì đã từng nghĩ đến và viết ra trong file Reflection rồi.

NESTLE: Vòng đầu tiên khá nhẹ nhàng, không cần làm form gì cả. Chỉ cần gửi đi CV, cover letter, bảng điểm là xong.

2. Aptitude test/ IQ test

Chuẩn bị thế nào?

- Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài luyện tập trên mạng. Nhưng trang ưa thích nhất của mình là: indiabix.com

- Có rất nhiều dạng câu hỏi trong Aptitude test, nhưng thường gặp nhất là: đọc hiểu bảng biểu, hình vẽ và tìm số/ hình tiếp theo đáp ứng được quy luật đề bài.

- Với phần này, cách duy nhất để chuẩn bị là luyện tập thật nhiều để quen tay quen mắt thôi.

THỰC TẾ THÌ …: Tiêu chí vượt qua vòng này khá đơn giản. Nhà tuyển dụng đã có sẵn mức điểm sàn, vượt lên mức đó thì bạn qua vòng này. Hoặc tùy nhà tuyển dụng muốn lấy bao nhiêu phần trăm thí sinh vào vòng tiếp theo, họ sẽ lấy điểm từ trên xuống dưới.

UNILEVER: Ngay sau khi bạn nhấn nút “Submit form”, đường link làm bài test sẽ được gửi ngay về email của bạn. Với mình, đề của Unilever không quá khó, tập trung chủ yếu ở dạng đọc hiểu, phân tích bảng biểu. Tuy nhiên, do thời gian ít, số lượng câu hỏi lại nhiều, nên bạn cần tinh mắt và nhanh tay, để xử lí được câu hỏi và chọn được phương án đúng. Hoàn thành xong bài test, ngay lập tức bạn sẽ nhận được email luôn. Hoặc là xin lỗi, bạn chưa đạt được mức chúng tôi mong đợi. Hoặc chúng tôi đang xử lí hồ sơ và sẽ liên hệ bạn sớm nhất. Do đó, nếu bạn không cẩn thận ở vòng này, đồng nghĩa với việc sẽ không ai đọc hồ sơ bạn đã viết trước đó.

PRUDENTIAL, COCA – COLA: Sau một thời gian đợi HR xử lí hồ sơ, bạn sẽ nhận được link làm bài test online. Với mình, bài test của Cocacola khó nhất ở phần “verbal test”. Còn bài của Prudential khá áp lực về mặt thời gian. Mình nghe đâu đó, bài test của Prudential đã khiến khoảng 30% thí sinh phải dừng cuộc chơi, không được đi tiếp vào vòng trong.

NESTLE: Với Nestle, bạn sẽ được mời lên làm bài kiểm tra tập trung. Một ngày có nhiều ca thi, mỗi ca cỡ tầm 300 bạn. Bài kiểm tra ngắn chỉ 35 câu, gồm đọc hiểu tiếng Anh – tính toán logic và cả kiến thức xã hội. Nhìn chung đề bài khá đơn giản, chỉ có các câu về kiến thức xã hội là khó đoán nhất. Ví dụ nhé: Nhà nước đầu tiên của nước ta có tên là gì? Trụ sở của Nestle đặt ở đâu? Sản phẩm Nescafe được giới thiệu ra thị trường năm nào?

Sau khi nộp bài xong, thí sinh ngồi tại chỗ, nghe giới thiệu tổng quan về công ty. Trong lúc đó, bài thi được chấm ở bên ngoài. Sau đó, đại diện công ty sẽ công bố tên những bạn đạt đủ điểm trong bài vừa rồi, sẽ ngồi lại để thi tiếp vòng tiếng Anh. Những bạn không được đọc tên, đồng nghĩa cuộc chơi kết thúc ở đây. Phần đọc tên để loại trực tiếp này làm mình liên tưởng đến Next Top Model. Biết mình làm bài ổn ổn đó, nhưng cũng hồi hộp, vì hội trường đông quá, chờ mãi cũng chưa nghe tên mình.

Phần thi tiếng Anh diễn ra tức thì sau đó. Mỗi bạn được nhận 1 tờ giấy trắng để viết bài luận (essay), không giới hạn số chữ, trong 20 phút. Đề bài là về 1 câu nói nổi tiếng của 1 doanh nhân, bạn hãy nêu suy nghĩ của mình về quan điểm ấy. Mình đoán rằng, nhiều bài thi như vậy, HR chẳng thể nào đọc hết đâu. Vậy, chiến thuật làm bài của mình chỉ là, độ dài vừa phải (cỡ 1 mặt A4), không sai lỗi chính tả và ý tưởng triển khai tương đối mượt mà, không bị cụt lủn.

MASAN: Masan cũng tổ chức thi tập trung cho toàn bộ thí sinh. Tuy nhiên, đề Masan khá độc đáo, khi có nhiều dạng bài tập lạ lạ, so với đề của các công ty khác. Nhưng may quá, mình đã từng xem qua các dạng này trên indiabix nên cũng không bỡ ngỡ lắm. Khó nhất cũng là verbal test, với yêu cầu tìm từ đồng nghĩa với từ tiếng Anh đã cho. Mình có đứa bạn IELTS 8.5, thế mà làm phần này cũng không tốt, nhìn đề xong xanh mặt luôn.

3. Initial Interview

Chuẩn bị thế nào?

Nói thế nào? (How?) Có rất nhiều bài báo hướng dẫn bạn cách ăn mặc, cách điều chỉnh giọng nói ánh mắt ở mỗi buổi phỏng vấn. Hãy tận dụng Google nhé.

Nói cái gì? (What?) Mình chuẩn bị cho phần này bằng cách lên mạng tìm những câu hỏi thường gặp trong buổi phỏng vấn. File đó có tầm 150+ câu. Cứ đọc thử câu hỏi trước, và suy nghĩ xem mình nên trả lời thế nào, kèm theo việc đưa các ví dụ thực tế mình đã trải nghiệm. Có thể viết nháp ra vài chữ để sau này đỡ quên càng hay. (Mình thường xem lại file Reflection để tìm những ví dụ cụ thể, sinh động nhất)

Trước mỗi buổi phỏng vấn, có 3 thứ mình sẽ đọc qua: thông tin cơ bản về công ty – sản phẩm – thương hiệu, file những câu hỏi phỏng vấn thường gặp và câu trả lời mình đã viết nháp ra và application form mình đã nộp trước đó.

THỰC TẾ THÌ …: Thông thường, mục đích của vòng này là để đánh giá sơ bộ các kĩ năng của ứng viên, và mức độ phù hợp của ứng viên với văn hóa – môi trường công ty đó. Các câu hỏi khá đa dạng, thuộc nhiều chủ đề khác nhau, được hỏi nhiều nhất là về động lực/ mong đợi khi tham gia chương trình, các câu hỏi về kĩ năng lãnh đạo – làm việc nhóm, và dự định bản thân ở tương lai. Kinh nghiệm từ nhiều anh chị đi trước truyền lại, ở vòng này, vì người phỏng vấn bạn cũng sẽ đa dạng lắm, chưa biết quan điểm – góc nhìn họ thế nào, nên bạn hãy thể hiện mình một cách vừa phải, đừng cố làm lố để tạo dấu ấn hay cố chứng tỏ mình “nguy hiểm”.

4. Assessment Center (Group Discussion)

Chuẩn bị thế nào

Với mình thì đây là vòng thi khó nhất, vì không chuẩn bị trước được câu hỏi, mà phải tùy cơ ứng biến thôi. Nói vậy, nhưng nếu có thời gian rảnh, thì cũng nên xem qua hoặc suy nghĩ về vài thứ:

- Barem và tiêu chí chấm điểm. Mỗi công ty sẽ xây dựng mô hình năng lực (Competencies Model) cho nhân viên của họ, đây cũng sẽ là thước đo để đánh giá, lựa chọn ứng viên. Nói dễ hiểu hơn, có công ty sẽ thích những bạn “hổ báo”, ăn to nói lớn để bảo vệ quan điểm cá nhân. Có những công ty sẽ ưu tiên chọn những bạn biết lắng nghe, từ tốn đưa ra ý kiến riêng. Bạn có thể tìm hiểu sơ lược ở đây https://www.assessmentday.co.uk/ass…

- Khi làm việc nhóm, vai trò bạn có thể đóng góp là gì? Điểm mạnh của bạn là gì?

- Thử tưởng tượng xem, nếu bạn gặp một nhóm nói quá nhiều, bạn sẽ làm thế nào? Nếu bạn bị cả nhóm phản bác ý kiến, bạn sẽ theo đuổi ý tưởng đó đến cùng hay nghe theo các bạn còn lại?

THỰC TẾ THÌ:

MASAN: Ở Masan, đến vòng này thì chỉ còn 99 thí sinh, đến từ mọi miền lãnh thổ. Các bạn được chia thành từng nhóm nhỏ khoảng 8 người, ngồi bàn tròn, chung với 2 vị giám khảo. Những bạn có nguyện vọng thi vào cùng phòng ban, sẽ ngồi chung nhóm để làm việc với nhau. Sau khi nhận đề, mỗi cá nhân sẽ có thời gian để nghiên cứu đề bài, sau đó là thảo luận nhóm để đưa ra đáp án cuối cùng, và thuyết trình trước 2 anh chị giám khảo ngồi trong bàn.

Lúc nhận đề bài mình hơi bị bất ngờ, vì đề gì mà dài dữ, chắc cũng chục trang. Đề bài dài ngoằng vừa có câu chữ, vừa có bảng biểu số liệu, vừa có hình vẽ minh họa nữa. Bất ngờ hơn nữa là ngay khi mình chưa kịp lật xong hết mấy tờ giấy, mình đã nghe tiếng mấy bạn xung quanh bấm máy tính lách cách.

Đề bài kể về tình trạng của một công ty XYZ nào đó. Họ đang gặp khó khăn, và đã tìm ra được một số biện pháp giải quyết, tạm gọi là 1, 2, 3, 4 … Nhiệm vụ của cả nhóm là tìm xem, đâu là phương án tốt nhất, và thỏa mãn được các điều kiện đề yêu cầu. Thảo luận mất vài phút thì nhóm mình mới nhận ra một điều đặc biệt. Hóa ra trong bộ đề mỗi thí sinh nhận được, có 1 tờ giấy chứa dữ liệu đặc biệt. Tức là dữ liệu này mình có, bạn khác không có y chang, nhưng bạn lại có dữ liệu khác bổ sung liên quan. Vậy mà ban đầu cứ ngỡ là ai trong bàn cũng có dữ liệu y hệt nhau. Thảo luận gần xong, lúc còn 10 phút nữa hết giờ thì BTC thông báo tin nóng hổi. BTC cho thêm một dữ kiện đặc biệt. Hậu quả của tin nóng hổi này là vài nhóm phải thay đổi đáp án đã lựa chọn ở phút chót. Nhóm mình làm việc, may mắn thay là rất ôn hòa, cực kì tôn trọng và lắng nghe nhau. Vậy nên nhóm dễ thống nhất ý kiến và không có quá nhiều tranh cãi. Nhìn qua xung quanh thấy các bạn nhóm khác đập bàn đập ghế, gào thét các kiểu mà tim mình loạn nhịp theo.

Lúc hết giờ thi, nhóm mình có ngồi lại nói chuyện thêm. Mình bất ngờ lần nữa khi biết có tận 5/8 những gương mặt đang thi với mình, là du học sinh đến từ các trường nổi tiếng trên thế giới. May quá là đến cuối giờ mình mới biết thông tin này, chứ không là tim đập tay run ngay từ phút ban đầu rồi. Chỉ nên “giao lưu nhẹ nhàng” với các bạn ứng viên khác trước giờ thi thôi, tránh tình trạng choáng toàn tập khi nghe thành tích của các bạn. Các bạn là ai ở ngoài kia thì từ từ mình tìm hiểu, đã ngồi ở đây với nhau thì đều là thí sinh thôi. Chưa cầm đề thi thì chưa biết ai hơn ai mà. Giám khảo chưa nộp phiếu chấm điểm thì chưa biết ai đi tiếp, ai dừng lại đâu.

PRUDENTIAL:

Ở Prudential thì vòng 4 (Group Discussion) và vòng 5 (Final Presentation) diễn ra xuyên suốt và liền mạch với nhau. Tổng cộng có được 25 bạn tiến đến vòng 4 này. Vòng 4 sẽ diễn ra trong một ngày, và vòng 5 tiếp tục vào ngày hôm sau luôn. Toàn bộ 25 bạn đã vào đến vòng 4 đều sẽ thi luôn vòng 5, chứ không loại trừ nữa. Vòng Group Discussion, các bạn được ngẫu nhiên chia vào 4 nhóm. Buổi sáng, tụi mình được training tổng quan về ngành bảo hiểm ở Việt Nam, và một số khái niệm cơ bản. Xong xuôi, đề phát ra. Đề còn dày và dài hơn đề ở Masan nữa chứ. Biểu đồ còn được in màu sống động lắm nha. Nếu như đề ở Masan cho mình cảm giác đó là đề giả định, về một công ty xa lạ nào đó, thì đề của Prudential khiến mình cảm thấy đó thật sự nói về chính công ty này, về thị trường này. Đề bài liệt kê rất nhiều khó khăn công ty đang gặp phải, từ góc nhìn của nhiều bộ phận. Đề yêu cầu cả nhóm thống nhất ra 3 vấn đề lớn nhất cần giải quyết trước nhất là gì, và đưa ra 3 giải pháp tổng quát.

Sau khi phát đề, thí sinh có khoảng 1 tiếng để tự suy nghĩ. Hết giờ thì … đi ăn trưa, đầu giờ chiều quay lại mới bắt đầu phần thi thảo luận nhóm. Từng nhóm sẽ lần lượt bước vào phòng để tranh luận rồi thuyết trình trước hội đồng giám khảo. Nhóm sẽ ngồi vòng tròn nhỏ ở giữa, có 2 cái micro để chuyền nhau. Hội đồng giám khảo ngồi vòng tròn, xung quanh phòng thi. Hội đồng giám khảo bao gồm các thành viên cấp cao nhất của công ty, từ CEO, CFO, CHRO, và Trưởng các bộ phận/ phòng ban. Đây cũng là điều làm mình thích nhất với việc thi tuyển MT ở Prudential. Với những nhân sự cấp cao như vậy, không dễ gì để có được một buổi tất cả ngồi lại cùng nhau. Và khi các bác đã dành thời gian ngồi cả ngày thế này để chấm thi, chứng tỏ hoạt động này là một việc rất được công ty chú trọng và đầu tư.

Ở vòng này, nhóm mình cùng làm việc, ai cũng hoạt bát và nhiều ý tưởng. Do đó, không dễ dàng gì, khi chỉ có 2 micro, mà ai cũng muốn cầm lên và nói. Cắt ngang lời bạn khác thì bất lịch sự, nhưng nếu cứ ngồi chờ thì bao giờ mới đến lượt mình? Khổ tâm nhất là có một, hai thành viên, mỗi lần các bạn ấy “giành” được micro, là bạn sẽ cố gắng nói nhiều nhất có thể, nói hết ý này sang ý kia. Lúc gần hết giờ thảo luận, nhóm mình vẫn chưa có được tiếng nói chung cho toàn bài, chỉ mới phác thảo được những ý lớn cơ bản thôi. Đến lúc thuyết trình xong, ban giám khảo đặt câu hỏi về giải pháp nhóm đề xuất. Nhóm có quay ra hội ý nhanh với nhau, một bạn trả lời xong, vài bạn khác lại muốn cầm micro để bổ sung ý này ý kia của riêng mình.

Kể lại câu chuyện này, mình muốn giúp các bạn hình dung thêm về một vài tình huống có thể xảy ra lúc thi, để có thể chuẩn bị tâm lý ứng phó tốt hơn. Quan điểm cá nhân của mình thôi, không phải cứ nói nhiều là tốt, quan trọng là ý kiến của bạn có giá trị thế nào, đóng góp được điều gì cho nhóm. Khi làm việc nhóm, hãy nghĩ đến những bạn còn lại, bạn nói được ý của mình rồi, hãy cho người khác cơ hội để nói lên quan điểm của họ nữa.

Phần thi diễn ra khá nhanh, tổng cộng hết khoảng 45-60 phút. Xong phần này, toàn bộ thí sinh được mời về ngôi nhà chung, ở qua đêm, chờ đợi thử thách tiếp theo. Có 1 clip ngắn về vòng thi này, các bạn có thể tham khảo thêm ở đây: https://www.facebook.com/Prudential…

NESTLE: Vòng này ở Nestle được gọi là Summer Camp, kéo dài tận 3 ngày. Ở vòng này còn lại 64 chiến sĩ, chia làm 8 nhóm. Mỗi nhóm lại có đủ các thành viên, từ Commercial, HR, Finance, Tech, Supply Chain. Mình làm bài test vòng 2 của Nestle là vào đầu tháng 3, phỏng vấn sơ bộ (Initial Interview) là giữa tháng 3, chờ mòn mỏi đến đầu tháng 6 để đi Summer Camp. Công thức chung của cả 3 ngày sẽ là: sáng training – chiều thực hiện thử thách. 2 ngày đầu, mỗi ngày sẽ có 1 thử thách nhỏ, thực hiện trong ngày hôm đó. Riêng trong buổi đầu tiên, “thử thách lớn” cũng sẽ được công bố. Mỗi đội cần thực hiện bài thuyết trình để giải “thử thách lớn” này vào ngày cuối cùng, trước hội đồng giám khảo là các sếp cấp cao. Những phần training ở các buổi sáng, sẽ giúp thí sinh có cái nhìn cơ bản về các bộ phận, về thị trường – sản phẩm và hỗ trợ thêm để giải “thử thách lớn.”

Ngày đầu tiên, thử thách đặt ra là mỗi đội phải lập ra digital marketing plan cho sản phẩm K. và thuyết trình trước ban giám khảo và các thí sinh khác. Vì mỗi bạn trong nhóm có một chuyên ngành khác nhau, nhưng đề lại có vẻ ưu ái cho những bạn thuộc về nhóm Commercial, nên nhóm sẽ mất một chút thời gian để làm rõ vài khái niệm cho các bạn chưa biết. Điểm hay ho ở nhóm mình là có sự kết hợp rất đồng đều về mặt chuyên môn của các phòng ban. Các bạn Finance, HR tuy không rõ lắm về marketing plan, thì sẽ đóng góp ý kiến về việc phân bổ ngân sách thế nào, hỗ trợ nhân sự dự án ra sao. Điểm cho từng nhóm sẽ là tổng điểm của ban giám khảo và điểm bình chọn qua SMS từ các bạn thí sinh.

Ngày thứ hai, thử thách còn thú vị hơn nữa. Tụi mình được chỉ định đi siêu thị, để quan sát thị trường và một vài yếu tố khác. Sau đó đưa ra ý kiến để cải thiện những việc tụi mình đã quan sát được. Cả ngày là chuỗi training – thực hiện thử thách từ 8h đến 17h. Vậy lúc nào để giải “thử thách lớn” cùng nhau đây? Là ngồi lại khách sạn đến lúc tối mịt, bị nhân viên nhắc khéo đuổi về để họ còn dọn phòng nữa. “Thử thách lớn” yêu cầu mỗi nhóm tạo ra một giải pháp mới (new innovation) theo giới hạn yêu cầu đề. Nghĩ vu vơ để ra giải pháp/ sản phẩm mới thì đơn giản, nhưng viết ý tưởng đó rõ ràng ra, chia theo từng mục marketing, finance, HR, supply chain, tech và cố gắng khả thi hóa ý tưởng thì không hề dễ đâu. Nhất là khi não đã bị “đóng băng” sau một ngày dài rất mệt rồi. Điểm hay ho của Summer Camp là đây, khi bạn bị dồn nén thêm áp lực, khi bạn thấy “căng thẳng”, khi bạn rất mệt, bạn sẽ bộc lộ hết tính cách của mình ra. Mỗi nhóm sẽ có một người gọi là mentor, kiêm luôn “quan sát viên” ghi nhận lại hành động thái độ của bạn. Mentor sẽ gợi ý hướng đi cho nhóm mỗi lúc cạn kiệt ý tưởng. Nhưng mentor cũng sẽ sát cánh bên bạn từ lúc bạn ăn, lúc bạn đi lang thang trong siêu thị, đến lúc bạn ngồi tranh luận với cả nhóm. Nên thật sự, khi thi những vòng này, hãy cứ tự tin là chính mình thôi, đừng cố gắng diễn cho tròn vai.

Nhóm của mình may mắn thay là rất hợp nhau, hợp là lúc nói chuyện phiếm, lúc thảo luận nghiêm túc, đến lúc ăn. Vậy nên 3 ngày ở Summer Camp với mình rất vui và nhiều kỉ niệm, mình đã có thêm những người bạn thú vị và hợp ý. Điểm của mỗi thí sinh ở vòng này, sẽ là tổng hợp từ nhiều nguồn: phản hồi từ các anh chị mentor, đánh giá của các anh chị HR âm thầm quan sát, đứng ở các góc phòng, ghi nhận của ban giám khảo khi bạn trình bày – trả lời câu hỏi. Bài thuyết trình về “thử thách lớn” là quan trọng nhất, tuy nhiên khi nhóm bạn thể hiện tốt ở các thử thách nhỏ, các anh chị cũng sẽ có ấn tượng tốt về nhóm và về từng cá nhân hơn.

5. Final Round

MASAN: Vòng cuối cùng trong khâu tuyển chọn MYE, mỗi bạn thí sinh được dặn nhớ mang theo laptop đến buổi thi. Mỗi thí sinh sẽ được nhận đề, có quyền hỏi giám khảo 5 câu để làm rõ thêm các ý, và sau đó được cho 30 phút để chuẩn bị 3 slides powerpoint. Đề thi khá đa dạng, nhưng điểm chung là đề nào cũng ngắn, chỉ cỡ 5 dòng thôi. Ví dụ nhé: Làm sao để tăng trưởng, giúp nhãn hàng X dẫn đầu toàn ngành hàng?, hoặc, Bạn nghĩ Masan nên làm gì để có thể áp dụng được hướng đi Y? (với Y là một hướng kinh doanh mới, ở Việt Nam chưa được ứng dụng rộng rãi.) Thuyết trình xong xuôi, giám khảo sẽ đặt câu hỏi liên quan đến bài trình bày để bạn làm rõ hơn. Toàn là các sếp lớn hỏi thôi, nên câu nào cũng “nhức não” cả. Nhưng mà trả lời xong, thấy các anh chị gật gù cười cười, tự dưng mình cũng thấy nhẹ nhõm hơn hẳn.

Mình quan điểm thế này: Đã vào đến những vòng cuối này, không có gì là đúng hay sai hoàn toàn, chỉ là cách suy nghĩ và tiếp cận vấn đề của mỗi người thế nào thôi. Vậy nên, đối với câu hỏi của các anh chị, dù khó mấy mình cũng ráng suy nghĩ, ráng tìm một hướng tiếp cận mình nghĩ là phù hợp, rồi tự tin trả lời thôi.

PRUDENTIAL: Tiếp tục câu chuyện ở trên, sau khi tụi mình ăn tối, ngồi trò chuyện với nhau, nghe các anh chị MT khóa trước chia sẻ, tụi mình nhận tiếp thử thách cho vòng cuối. Vẫn dựa trên đề bài lúc sáng, mỗi thí sinh chọn ra một vấn đề trong bài (chỉ duy nhất một thôi), và lên kế hoạch chi tiết, bạn sẽ làm gì để giải quyết vấn đề đó. Ngoài ra, tụi mình được phát thêm một tờ giấy, bổ sung thêm vài dữ liệu liên quan nữa. Tờ giấy đến tay tụi mình lúc 22h, và deadline nộp bài powerpoint là trước 7h sáng ngày hôm sau. Thí sinh tự sắp xếp giờ làm bài thế nào là tùy ý.

Các bạn nữ sống cùng “nhà chung” với mình, vừa về đến phòng là ngấu nghiến vào giải đề, quyết tâm thức xuyên đêm làm xong bài rồi mới đi ngủ. Riêng mình thì quá mệt, nên chọn đi ngủ luôn, rồi thức dậy vào lúc 2h để làm bài cho kịp vậy. Những lúc thế này mới thấy, sức khỏe là điều cực kì quan trọng. Cố gắng giữ gìn sức khỏe ổn định vào những ngày trước khi thi, thì đến những giây phút quyết định này, chúng ta mới dốc sức được. Thứ tự thuyết trình cũng đã được công bố cùng với đề. Có những bạn thức nguyên đêm để làm bài, ăn sáng xong xuôi thì cũng phải chạy qua văn phòng Prudential để thuyết trình vòng cuối. Vậy nên áp lực khá lớn cho các thí sinh khi não phải chạy liên tục và hết công suất.

Hôm mình thuyết trình, ban giám khảo lại một lần nữa là các anh chị đã chấm thi ở vòng trước, các anh chị trong dàn lãnh đạo cấp cao của công ty. Cứ ngỡ rằng khi trình bày trước các sếp lớn sẽ rất căng thẳng, ngột ngạt, nhưng ngược lại, các anh chị rất thoải mái và thân thiện, nên mọi thứ sẽ không quá đáng sợ đâu. Sau bài thuyết trình, các anh chị sẽ thi nhau “hỏi xoáy đáp xoay” liên quan đến các ý tưởng trong bài đã đưa ra. Mỗi bạn lại có thời gian hỏi đáp khác nhau, có người bước ra rất nhanh, có người nói quá chừng không ngưng nghỉ. Ngay sau phần thi của mỗi bạn, ban giám khảo sẽ bàn luận với nhau về bài trình bày của bạn đó. Kết quả cũng được chấm ngay tức thì. Điểm thú vị trong cách lựa chọn nhân sự ở Prudential, họ sẽ chấm các thí sinh dựa trên chuẩn năng lực đề ra ban đầu. Nếu toàn bộ 25 thí sinh đáp ứng được tiêu chí này, 25 thí sinh sẽ cùng nhận offer letter cả. Cách chọn này khác với nhiều công ty khác. Ở nhiều nơi, quota đã được đặt ra từ đầu. Ví dụ như công ty muốn chọn 10 bạn, thì họ sẽ chọn ra 10 bạn tốt nhất để mời làm việc. Những bạn được đánh giá xếp hạng 11, 12, 13, 14… dù đáp ứng được tiêu chí đề ra, nhưng chỉ nằm trong danh sách chờ, nếu 10 bạn kia có ai từ chối offer letter, cơ hội dành cho các bạn sẽ được xem xét.

NESTLE: Phỏng vấn mình là 2 sếp nước ngoài, không hề có HR tham dự. Cuộc nói chuyện diễn ra khá nhẹ nhàng và dễ dàng, vì đa phần câu hỏi rất quen thuộc và dễ đoán trước. Chủ yếu xoay quanh những suy nghĩ của mình sau khi tham gia Summer Camp, lí do vì sao mình muốn tham gia công ty, và những dự định sắp tới của mình. Mọi chuyện diễn ra rất ổn, mình cảm nhận là vậy. Cho đến lúc có một sếp hỏi mình rằng, “Em nghĩ sao nếu tôi có cảm giác bất ổn về những gì em vừa nói? Dù rằng nội dung câu trả lời của em rất hay, rất chu đáo, nhưng sao tôi có cảm giác là em học thuộc hơn là đối đáp tức thì?” Thực lòng mà nói, những câu hỏi được đặt ra rất quen thuộc. Bản thân mình lúc đi tham gia phỏng vấn (ở Nestle, và các công ty khác) cũng đã trả lời nhiều lần rồi. Cứ lặp đi lặp lại mãi nên mình có vẻ thuộc lòng, nói các ý ra mà không cần suy nghĩ gì nhiều. Kinh nghiệm rút ra, dù câu hỏi có thế nào, hãy dành khoảng 3-5 giây để suy nghĩ (hoặc kéo thêm chút thời gian), để tránh gây cho giám khảo cảm giác không tốt, cảm giác như mình đã học thuộc lòng.

6. Tạm kết

Cứ đi qua từng vòng từng vòng như vậy, hết trông rồi mong ngóng email, cuối cùng khép lại hành trình 6 tháng apply và phỏng vấn, mình nhận được 3 offer letters như đã kể. Sẽ là một hành trình rất dài kể từ khi bạn viết application form đến khi nhận được điện thoại báo tin vui từ HR. Do đó, sự chuẩn bị ngay từ đầu là điều thiết yếu, tránh việc đuối sức giữa đường.

Mình đã kể về từng vòng thi ở những công ty khác nhau, về những sự chuẩn bị bạn có thể trang bị trước cho mình, để bước qua các thử thách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sự chuẩn bị tâm lí từ trước – trong – sau khi thi MT cũng là điều các bạn nên cân nhắc thêm. Có 2 câu hỏi bạn nên tự suy xét hỏi lòng, trước khi đặt bút ghi tên mình vào cuộc đua này.

1. Việc trở thành Management Trainee có ý nghĩa với bạn thế nào?

2. Nếu không đậu vào chương trình Management Trainee thì bạn sẽ làm gì tiếp theo?

Xét cho cùng, Management Trainee cũng chỉ là một hướng đi, một ngã rẽ. Con đường MT có thể hợp với bạn này, nhưng có khi lại không phù hợp với bạn kia. Có những anh chị thực sự phù hợp với chương trình MT, nhờ MT mà thăng tiến rất nhanh sau đó. Nhưng cũng có những câu chuyện khác ít người kể. Có những anh chị tham gia vào MT rồi, mới thấy mình không phù hợp lắm với chương trình này, rồi sau đó cũng rẽ lối sang một hướng mới. Nói chung, đậu được vào MT thì vui thật đấy, nhưng lỡ nếu không đậu, đó cũng chưa hẳn là tin buồn. Vì đâu đó ngoài kia sẽ có nơi khác phù hợp hơn với bạn thì sao.

Năm nào cũng vậy, số lượng đơn hồ sơ nộp về tham gia MT lên đến vài ngàn thí sinh ở một công ty. Nhưng số lượng những bạn được chọn lại rất ít. Biết mình là ai, biết mình cần gì, biết mình còn thiếu sót gì, đó mới là những dấu hỏi đầu tiên. Mong rằng bài viết này có thể phần nào giúp các bạn làm được điều mình muốn. Chúc các bạn bền tâm vững trí, đi đến cuối con đường phù hợp nhất với mình!

Không có nhận xét nào